Gần đây, câu chuyện về anh Hiếu TV - Nguyễn Ngọc Hiếu đã trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi về chất lượng các khóa học chứng khoán mà anh ấy cung cấp. Giữa dòng tranh cãi, mình cũng cảm thấy buồn và có phần thất vọng về những gì anh và đội ngũ tổ chức khóa học đã làm chưa tốt. Thôi tạm gác lại những tranh cãi đó, mình chắp bút viết, tổng hợp và chia sẻ hành trình sự nghiệp của anh Hiếu mà mình rất ngưỡng mộ.
Mình đã bắt đầu tìm hiểu nhiều về anh Hiếu từ podcast số đầu tiên (mình nhớ vào tháng 2 năm 2021). Khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, và mình cũng như rất nhiều người, có thêm thời gian rảnh để nghe các kênh podcast trên Youtube, và thời điểm đó mình tìm hiểu về những câu chuyện và kinh nghiệm của anh Hiếu trong chuyên môn UX Design và Product Management trong mảng công nghệ. Mình thường xuyên nghe các video podcast của anh cho đến khi hết giãn cách.
Chỉ khi anh Hiếu bắt đầu chia sẻ về các khoá học đầu tư, khoảng giữa năm 2022, mình đã không còn nghe nhiều nữa. Lý do là mình đã có sẵn danh mục đầu tư và hiểu được risk appetite (“khẩu vị” rủi ro), cũng tự học từ nhiều nguồn từ các anh chị chuyên gia và sách nên cũng chưa có nhu cầu tiếp nhận thêm người khác. Tuy nhiên, phần lớn mình không có nhiều thời gian nghe podcast khi mình đi làm. (mình vẫn nghe một số podcast của anh khi đi trên máy bay và theo dõi anh Hiếu qua Facebook)
Mãi cho đến khi có tin tức về sự việc gây tranh cãi gần đây, mình mới quyết định dành thời gian để hoàn thành bài chia sẻ này. Trong một buổi sáng dậy sớm, mình ngồi tổng hợp, viết và chia sẻ về anh Hiếu với góc độ chuyên môn và hành trình sự nghiệp để chia sẻ với mọi người cùng tìm hiểu và học hỏi với thái độ trung lập. Ít nhất, chúng ta học hỏi được quá trình anh Hiếu xây dựng sự nghiệp, nỗ lực trong việc phát triển chuyên môn, và tư duy đầu tư tài chính để hiểu rõ lý do vì sao anh ấy thành công và chia sẻ trên kênh podcast và bắt đầu cuộc sống tự do tài chính.
Mong mọi người đón đọc, bàn luận tích cực và chia sẻ quan điểm, góc nhìn bổ sung để cùng học hỏi. Ngoài ra, mình hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn kiểm chứng thông tin và phục vụ cho các yếu tố đánh giá khách quan của từng người.
Tấm ảnh mình chụp cùng anh Hiếu tại Vietnam Startup Day 2022 ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng là dịp anh Hiếu về Việt Nam sau thời gian làm việc ở Úc
Những sự nghiệp ban đầu của anh Hiếu
Mình thường tìm hiểu công việc và chuyên môn của một chuyên gia qua LinkedIn nếu mình biết họ có quan hệ làm việc với khách hàng, đối tác và các công ty nước ngoài. Và hầu hết các thông tin sự nghiệp của anh Hiếu mình gói gọn trong một số nguồn;: LinkedIn cũ từ 2013, CV cá nhân, Google Search các trang báo từ 2009 - 2015, Youtube, Blog chữ anh Hiếu viết từ khoảng 2006.
Những nội dung từ các kênh video podcast của anh sẽ KHÔNG ĐƯỢC mình đề cập trong bài tổng hợp bên dưới vì có 2 lý do, thứ nhất mình không có thời gian nghe hết đầy đủ, thứ 2, mình tin là, một số nội dung podcast và báo chí sẽ được biên tập lại nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân riêng cho dù là do chính chủ đích anh Hiếu, trợ lý,, đội ngũ khoá học hay phóng viên báo chí.
Theo bio trên LinkedIn được tạo từ năm 2013 của anh Hiếu, mình tìm kiếm được về quá trình sự nghiệp của anh từ 2001 - 2013. Không những vậy, mình còn vô tình thú vị tìm thấy được CV của anh Hiếu từng đăng tải vào năm 2009 (mình có đính kèm cuối bài) anh Hiếu sinh năm 1982 và bắt đầu sự nghiệp của mình từ rất sớm. Vào năm 2001, khi 19 tuổi, anh Hiếu đã bắt đầu làm Front End Developer.
Năm 2001, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, cũng không thể kể đến suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là thời kỳ internet bắt đầu thịnh hành và phát triển mạnh mẽ. Việc tiếp cận internet và công nghệ thông tin trong giai đoạn này là một lợi thế lớn cho những ai đam mê và có khả năng tự học.
11/2001 - 02/2004: Front End Developer tại Pyramid Consulting (PyCo)
Thời kỳ đầu, anh Hiếu làm việc tại Pyramid-Consulting (PyCo), một công ty thành lập năm 1999 tại Bỉ. Trong suốt 15 năm hoạt động tại Việt Nam (có văn phòng tại HCM) và nước ngoài, Pyramid Consulting đã mở rộng mô hình dịch vụ từ phát triển website và ứng dụng điện thoại cho các hãng quảng cáo lớn trên toàn cầu đến phát triển các phần mềm. Khách hàng toàn cầu đều sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Pyco Group có thể kể đến như Atlassian, Microsoft, Samsung, Volkswagen, Wal-Mart, Facebook, Twitter, eBay, LinkedIn, và Cisco. Thời điểm đó, anh Hiếu chịu trách nhiệm phát triển HTML, CSS và JavaScript. Trong thời gian này, anh tham gia vào việc thiết kế giao diện người dùng (UI/UX) cho một số dự án.
PyCo cũng là một trong những tập đoàn nước ngoài hiếm hoi văn phòng tại Việt Nam từ giai đoạn này ngay cả khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xuất hiện xu hướng chững lại và giảm sút. có Theo tin đăng tuyển dụng PyCo vào năm 2018, mức lương thực tập Frontend Developer đã trợ cấp: up to 7,400,000 VNĐ gross/tháng, có hẳn chương trình học được thiết kế riêng từ những chuyên gia hàng đầu và sau đó được ap dụng kiến thức đã học vào những dự án thiết kế Web cho các khách hàng toàn cầu tại PYCO.
02/2004 - 3/2007: Webmaster tại Sony Electronics
Sau đó, anh Hiếu chuyển sang làm việc tại Sony Electronics từ tháng 2 năm 2004 đến tháng 3 năm 2007, đây cũng là tập đoàn đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty mới 100% vốn nước ngoài. Tại đây, anh đảm nhận vai trò Webmaster, quản lý website và các chiến dịch marketing trực tuyến. Anh đã góp phần xây dựng và duy trì các trang web của Sony tại Việt Nam, bao gồm cả việc hợp tác với đội ngũ khu vực tại Singapore để phát triển trang chủ của Sony-Asia.
4/2007 - 10/2008: Product Manager tại CareerBuilder.com
Không dừng lại ở đó, anh Hiếu tiếp tục gia nhập CareerBuilder.com từ tháng 4 năm 2007 đến tháng 10 năm 2008. Theo mình tìm hiểu thì lúc này còn là công ty Việt Nam có tên là VON từ trang KiemViec.com và HRVietnam.com, sau đó năm 2013 được sáp nhập với Tập đoàn CareerBuilder (Mỹ), trở thành CareerBuilder Vietnam. Tại đây, anh Hiếu là Product Manager, chịu trách nhiệm thiết kế chiến lược sản phẩm và phát triển nội dung cho các trang web tuyển dụng trực tuyến.
10/2008 - 9/2009: Interactive Manager tại Young & Rubicam (Y&R)
Cũng từ thông tin công việc qua CV và Linkedin của anh Hiếu, giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp của anh là tại Young & Rubicam (Y&R), nơi anh đảm nhận vai trò Interactive Manager từ tháng 10 năm 2008 đến tháng 9 năm 2009. Đây là công ty truyền thông tiếp thị (full-service advertising agency) được đánh giá hàng đầu toàn cầu, với hơn 189 văn phòng tại hơn 90 quốc gia. Y&R cũng có văn phòng tại Việt Nam với Công ty TNHH Young & Rubicam Việt Nam. Công việc này yêu cầu anh phải quản lý thiết kế tương tác và trải nghiệm người dùng cho các chiến dịch quảng cáo của những khách hàng quốc tế như Ford, Colgate và IBM.
10/2009 - 4/2012: Digital Product Director tại Ringier Vietnam
Đến tháng 10 năm 2009, anh Hiếu chuyển sang làm việc tại Ringier Vietnam, nơi anh giữ vị trí Digital Product Director. Công ty này cũng là thương hiệu công ty truyền thông lớn nhất tại Thụy Sĩ và vào Việt Nam từ 1987. Đây là giai đoạn đánh dấu sự thăng tiến trong sự nghiệp của anh, khi anh chịu trách nhiệm chiến lược sản phẩm, quản lý ngân sách và phát triển nội dung cho bốn sản phẩm lớn: Marry.vn, BepGiaDinh.com, MarryHome.vn và MarryBaby.vn. Những sản phẩm này được cho rằng không chỉ mang lại giá trị lớn cho người dùng mà còn giúp Ringier khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam.
Mình có tìm đọc được một bài báo "Đi lên từ con số 0" đăng ngày 08/12/2009 cũng đã ghi nhận những nỗ lực và thành công của anh Hiếu dù chưa từng tốt nghiệp đại học. Sự thật là, với những đóng góp và thành tựu đáng kể trong lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, anh Hiếu đã chứng minh rằng con đường đến thành công không nhất thiết phải đi qua cánh cổng đại học. Vào thời điểm đó, anh Hiếu đang giữ vị trí Giám đốc điều hành mảng digital cho Tập đoàn Ringier của Thụy Sĩ tại Việt Nam. Có thể nói, những câu chuyện thành công vào những năm ấy là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng, đặc biệt là với những người trẻ đang tìm kiếm con đường sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, việc anh Hiếu giữ vị trí quan trọng tại một tập đoàn lớn như Ringier chắc chắn đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông, khiến họ muốn tìm hiểu và chia sẻ câu chuyện của anh đến độc giả.
Hành trình của anh Hiếu tại Skynet
Một điểm đáng chú ý trong sự nghiệp của anh Hiếu là việc anh đã làm việc cùng lúc ở hai vị trí quan trọng tại Skynet và Ringier. Khi anh đảm nhận vai trò Senior Product Director tại Skynet vào tháng 4 năm 2011, anh vẫn đang là Digital Product Director tại Ringier Vietnam cho đến tháng 4 năm 2012.
4/2011 - 4/2012: Senior Product Director tại Skynet
Tại Skynet Technology, anh đã góp phần phát triển các sản phẩm như danhgiaXe.com và Lola.vn. Theo thông tin từ LinkedIn, anh chịu trách nhiệm chiến lược sản phẩm, quản lý ngân sách và phát triển nội dung cho hai sản phẩm này. Những thành tựu này đã giúp Skynet Technology đạt được nhiều giải thưởng và công nhận từ cộng đồng công nghệ, và mình đoán rằng sau những đóng góp to lớn từ năm 2011, anh Hiếu đã được thăng chức lên làm CEO.
Trong 1 bài blog của anh và qua 1 video TEDx của anh Hiếu vào năm 2012, anh Hiếu không chỉ song song làm việc trong ngành công nghệ mà còn thử sức với việc ngành thủ công mỹ nghệ tại một xưởng gỗ nhỏ ở Đức Trọng (một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam). Giai đoạn này mình nhận thấy anh đã ấp ủ ý tưởng và tự trang bị kiến thức kinh doanh để từ câu chuyện ấm trà, sau đó nhanh nhạy nhận thấy nhu cầu thị trường tiềm năng, tích lũy tài chính và có một khoản tiền đủ để thử sức kinh doanh, thậm chí đầu tư xe hơi để tự đi lại giữa TP HCM và xưởng của mình vào mỗi cuối tuần.
Skynet Technology là một phần của SQUARE GROUP, một tập đoàn truyền thông được cho là lớn mạnh tại Việt Nam từ những năm 2015. Người đại diện công ty là ông Võ Thành Trung, xuất thân từ trường Đại học Kiến trúc, cũng là người sáng lập Skynet, đã bắt đầu sự nghiệp với việc thành lập công ty tư vấn chuyên về tổ chức sự kiện, Square Event & Activation. Đây chính là tiền thân của Square Group – một trong những tập đoàn truyền thông độc lập lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chỉ trong vòng 10 năm phát triển, Square Group đã mở rộng nhanh chóng với 10 công ty truyền thông trải dài trên các lĩnh vực Communications, Digital/ICT, và Entertainment.
Dưới sự điều hành của ông Võ Thành Trung với vai trò Giám đốc Điều hành, Square Group đã đạt doanh thu hơn 25 triệu USD theo báo cáo tài chính năm 2015.
Cho những bạn chưa biết, từ những năm 2019, khán giả trong nước, khách quốc tế tại Việt Nam đều biết đến nhiều vở xiếc tre và múa đương đại : Làng tôi, À ố show, Sương sớm, Ter Dar.. . (đều là của Lune Production) và tạo nhiều tiếng vang từ khán giả ngoài nước, khi cả 4 tác phẩm này đã lưu diễn ở 15 quốc gia thuộc 4 châu lục.
Thời điểm năm 2017, Skynet Technology cũng mở rộng mô hình hoạt động thành Skynet Technology Incubator là một quỹ đầu tư công nghệ cho các startup trong thời điểm đầy thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam. Sự phát triển vượt bậc của ngành này hứa hẹn sự nở rộ của nhiều dự án khởi nghiệp, dù đang trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nhiều doanh nhân đã chọn cách mở nhiều công ty khác nhau, nuôi lớn và bán đi dần dần, theo mô hình đầu tư gieo hạt giống từ Thung lũng Silicon, và nay đã lan rộng đến các trung tâm công nghệ của châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên việc mở rộng mô hình để bắt kịp tiềm năng thị trường cũng là một vấn đề lớn. Những nhà sáng lập các công ty công nghệ trong giai đoạn này thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn, và phải thu hẹp quy mô để tồn tại. Đây là quá trình thanh lọc tự nhiên, giống với mô hình đã xảy ra ở Mỹ từ một thập kỷ trước. Những công ty như Skynet, vẫn tiếp tục phát triển ngoài việc phát triển sản phẩm, cũng lấn sân sang mảng làm game và rồi huy động thêm quỹ.
Tuy nhiên khi mình tìm đọc nhiều hơn về Square Communications từ thông tin ông Võ Thành Trung bên cạnh Skynet thì có thông tin từ 2018, các công ty thành viên thuộc Square Communications không còn tên Skynet (mặc dù Skynet vẫn hiển thị trạng thái Đang hoạt động trên trang Mã số thuế)
Sau khi làm việc tại Skynet
Từ một bài viết anh Hiếu chia sẻ kỉ niệm 7 năm trong 1 bài blog 2021 anh đăng về tấm ảnh chụp tại Bain & Company. Mình cho rằng anh Hiếu đã sang Úc làm việc với vai trò Senior Consultant ở Bain & Company từ khoảng 2014-2015. Bain & Company là một công ty tư vấn quản lý hàng đầu của Mỹ, có trụ sở chính tại Boston, Massachusetts. Sau khi dành vài phút tìm hiểu, mình thấy tại Úc, Bain & Company hoạt động dịch vụ tư vấn ở Sydney, Melbourne và Perth.
Khi tìm kiếm các bài báo Google search và bài blog của anh từ năm 2014, anh Nguyễn Ngọc Hiếu cũng bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), một trong những ngân hàng lớn nhất của Úc. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của anh Hiếu, vì CBA không chỉ là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu mà còn là một trong những ngân hàng tiên phong trên thế giới về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ ngân hàng.
Là một ngân hàng bán lẻ, đối tượng khách hàng chính của CBA là người dùng cá nhân. Do đó, chiến lược của ban lãnh đạo ngân hàng này tập trung tối đa vào trải nghiệm người dùng (User Experience - UX). Họ đầu tư rất lớn và nghiêm túc vào việc cải thiện UX, nhằm mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
CBA được giới chuyên môn đánh giá là có đội ngũ UX quy mô nhất ở Úc, cả về số lượng và chất lượng. Mình cho rằng, việc anh Hiếu làm việc tại CBA không chỉ giúp anh nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Việc này cũng chứng tỏ sự linh hoạt và khả năng thích nghi của anh trong môi trường làm việc đa quốc gia và đầy thử thách.
Anh Hiếu cũng viết bài blog về hành trình tại CBA ở đây. Trong một bài blog vào năm 2015, anh Hiếu chia sẻ: "Mình có may mắn được làm việc chung với nhiều team UX lớn ở Úc (như CBA ở Sydney; ANZ, Telstra ở Melbourne;…), do đó đã từ lâu mình có dự định sẽ viết lại một cách hệ thống toàn bộ những kỹ năng và kinh nghiệm về UX mà mình đã tích lũy được." Điều này cho thấy anh Hiếu không chỉ làm việc tại CBA mà còn có cơ hội hợp tác với các tổ chức lớn khác như ANZ và Telstra, mở rộng thêm kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực UX.
Năm 2018, cũng từ bài viết Blog của anh, mình mới biết anh nhận lời mời về Việt Nam tham gia và chia sẻ ở sự kiện UX Vietnam Festival 2018 do team UXVN tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh.
Vào năm 2019 khi cả thế giới ảnh hưởng từ dịch Covid-19, theo một bài viết anh chia sẻ, anh Hiếu làm việc từ xa tại Úc và giữ vị trí Group Chief Product Officer tại Seedcom Group (công ty đầu tư vào các công ty như: The Coffee House, Giao Hang Nhanh, Ahamove,...). Đầu tháng 4/2020, anh Hiếu cũng tổ chức sự kiện online Coroference: Product Management for Managers, thu hút hơn 1000 người tham dự. Với hình thức tham gia sáng tạo, đăng ký bằng cách chụp ảnh tin nhắn ủng hộ quỹ Bộ Y Tế Việt Nam, sự kiện cũng đã góp một phần vào việc ủng hộ chính phủ phòng chống dịch. Buổi Training đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích từ kinh nghiệm thực tế của anh về Product Management, bao gồm những yếu tố thành công của một sản phẩm, cách phối hợp giữa các team,... Sau đó 2 video training cũng được đăng tải trên kênh Youtube của anh để mình học hỏi ngay lần đầu biết đến.
Bắt đầu công việc cố vấn và đầu tư
Từ năm 2021, anh Hiếu bắt đầu viết nhiều bài blog hơn, chia sẻ về kinh nghiệm làm việc và vai trò cố vấn của mình. Anh Hiếu đã chia sẻ rằng vị trí cố vấn giúp anh có được tiếng nói độc lập và có khả năng tạo ra những ảnh hưởng lớn đến các CEO và quản lý cấp cao.
Mình nhận thấy từ những cơ hội được cố vấn cho các CEO và quản lý cấp cao, anh Hiếu nhận thấy nhu cầu đầu tư thiên thần và tiềm năng của các startup cần anh cố vấn, thậm chí được tham gia trực tiếp vào bộ máy điều hành của công ty. Do đó, anh đã bén duyên với đầu tư tài chính bằng cách đầu tư rót vốn, đã đề xuất được tham gia đầu tư với hình thức góp cổ phần vào các công ty cho đến khi IPO, lên sàn chứng khoán.
Trong 1 bài báo phỏng vấn anh Hiếu, anh chia sẻ rằng công ty mình đang đầu tư (không chia sẻ) đã kêu gọi thành công khoản vốn đầu tư 22 triệu đô. 7% cổ phần mà anh đang sở hữu khi đó có giá trị tương đương khoảng 1,5 triệu đô.
Sau khi đi tìm kiếm thêm thông tin (có đính kèm cuối bài), mình có đọc được tin có một startup EdTech ở Sydney tên là Adventus.io đã kêu gọi thành công $22.7 triệu đô vòng series A do Australian VC OIF dẫn đầu. Nỗ lực tìm kiếm thông tin chính xác về công ty anh Hiếu đầu tư chỉ dừng ở đây, mặc dù mình vẫn không rõ thực hư chính xác.
Ngoài ra, anh Hiếu còn chia sẻ thêm ở 1 bài đăng từ chương trình Vietnam Startup Day 2022 là anh có thành công với thương vụ với Afterpay định giá 39 tỷ AUD.
Cụ thể hơn, mình cũng tìm kiếm tin tức Square đã mua lại Afterpay với giá 29 tỷ USD, trở thành thương vụ M&A lớn nhất lịch sử doanh nghiệp Australia. Nick Molnar và Anthony Eisen, người Australia, đã tạo ra Afterpay vào năm 2014 để cung cấp cho khách hàng một phương thức mua hàng hiệu quả với hình thức “mua trước, trả sau”. Thành công của Afterpay gần đây đã lọt vào “mắt xanh” của Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập Twitter và sáng lập Square, đã tiến hành một thương vụ được cho là đôi bên cùng có lợi bằng việc mua lại với một mức giá 29 tỷ USD.
Việc Square mua lại Afterpay làm mình liên tưởng ngay đến Công ty truyền thông Square Group, cũng do ông Võ Thành Trung đồng sáng lập Skynet. Tuy nhiên, không rõ chính xác thực hư về mối liên hệ này?
Trong tập podcast "Hành trình đầu tư vào công ty 39 tỉ đô", anh Hiếu đã chia sẻ về hành trình đầu tư vào công ty fintech Afterpay của mình. Tuy nhiên mình lại thấy anh nói về những sai lầm đã mắc phải trong quá trình đầu tư, bao gồm việc bán bớt cổ phiếu để mua nhà, bán cổ phiếu khi thị trường chứng khoán tăng trưởng bất thường và bán bớt cổ phiếu khi thị trường chứng khoán đi xuống. Những sai lầm đầu tiên bao gồm việc mua nhà dựa trên khoản thu dự kiến chưa được thực hiện, dẫn đến việc phải bán bớt cổ phiếu Afterpay để trả nợ.
Đến năm 2022, khi dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, anh Hiếu quyết định trở về Việt Nam và chia sẻ rằng anh sẽ "nghỉ hưu" trong một blog. Anh bắt đầu một hành trình mới với cuộc sống tự do, tài chính tự do. Cá nhân mình thấy anh Hiếu có trải nghiệm thành công trong tài chính cá nhân thông qua công việc anh làm và chuyên môn trong lĩnh vực quản lý và phát triển sản phẩm công nghệ (Product Managment), digital marketing, UX design, cố vấn của anh ấy mang lại cơ hội. Thông qua đó anh được đầu tư, và có chuyên môn đầu tư cổ phiếu các công ty mới niêm yết ở thị trường Úc do chính anh điều hành, đầu tư hoặc anh mentor. Vì vậy mọi nỗ lực ban đầu hẳn khác xa nhiều người khác, dẫn đến việc khi xây dựng khóa học dành cho đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam cũng rất khó vì kiến thức và kinh nghiệm đầu tư tài chính không đến từ các chứng chỉ đầu tư hay khóa học bài bản từ các chuyên gia.
Tranh cãi về vai trò cố vấn cho chính phủ Úc về Digital Strategy
Một trong những thông tin đáng chú ý và gây tranh cãi về anh Hiếu là vai trò của anh như một cố vấn cho chính phủ Úc về Digital Strategy. Đây là một phần thông tin mà mình khó xác thực và tìm kiếm thông tin khác để đối chiếu. Việc anh Hiếu tự giới thiệu về vai trò này trên các nền tảng trực tuyến, nhưng không có nhiều nguồn thông tin cụ thể để kiểm chứng, đã khiến mình và có lẽ nhiều người khác cảm thấy băn khoăn.
Một số người cho rằng anh Hiếu đã hoạt động cố vấn cho chính phủ tại Bain. Trong các bài báo Bain đăng tải năm 2015, công ty này cũng đã đóng góp dự án chiến lược Digital Strategy thực hiện tại chính phủ Úc (xem thêm ở cuối bài viết).
Mình cũng phát hiện thông tin bổ sung từ tài khoản LinkedIn thứ hai của anh Hiếu. Tại đây, anh có chia sẻ rằng anh từng là Guest Instructor tại General Assembly Australia. General Assembly (GA) là một tổ chức giáo dục toàn cầu, nổi tiếng với việc cung cấp các khóa học về công nghệ, dữ liệu, thiết kế và kinh doanh. Mình nhận thấy rằng việc làm Guest Instructor tại GA không hoàn toàn tương đồng với việc làm cố vấn cho chính phủ Úc, nhưng nó cho thấy anh Hiếu có uy tín và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực Digital Strategy.
Theo một bài blog của anh Hiếu chia sẻ năm 2021, anh đã nhận lời làm Cố vấn (Digital Strategy Advisor) cho chính quyền tiểu bang New South Wales ở Úc. Điều này gây ra nhiều nghi ngờ và tranh luận do thiếu thông tin chính thức về vai trò này của anh từ các nguồn đáng tin cậy.
Sau khi tìm kiếm thông tin trên internet, mình nhận thấy thực tế rằng phía New South Wales có đăng tuyển vị trí Advisor này. Mô tả công việc này ghi rõ các trách nhiệm chính bao gồm:
Quản lý chiến lược số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các mục tiêu tổ chức.
Giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến trải nghiệm số của khách hàng và đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng.
Khuyến khích môi trường thử nghiệm và học hỏi, khám phá sự đổi mới trong các sản phẩm và dịch vụ số.
Xây dựng và duy trì mối quan hệ với các bên liên quan, cung cấp tư vấn chuyên môn để hỗ trợ các ưu tiên của chính phủ New South Wales.
Giám sát, đánh giá và báo cáo về sự phát triển và/hoặc thực hiện các sáng kiến để xác định các lĩnh vực cần cải thiện.
Duy trì tính toàn vẹn của thương hiệu chính phủ New South Wales để đảm bảo sự nhất quán trong chiến lược số.
Thông tin từ mô tả công việc này cũng cho thấy vị trí này đã được phê duyệt vào tháng 9 năm 2019. Tuy nhiên, không có thông tin chính thức nào từ các nguồn công khai khác khẳng định anh Hiếu đã đảm nhận vai trò này.
Điều này vẫn còn khiến mình và nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi về việc xác thực và minh bạch trong việc công bố các vai trò và thành tựu cá nhân. Đối với những người quan tâm đến hành trình và sự nghiệp của anh Hiếu, cần có thêm thông tin chính thức để xác nhận và làm rõ các tuyên bố này.
Dưới đây là các nguồn thông tin mình đọc được:
Thành công không đến từ giảng đường - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) - Đăng tải vào 08/08/2013
CV của anh Hiếu đăng tải vào tháng 12, 2009. Hoặc xem tại trang Blog anh Hiếu từng đăng tải.
Linkedin thứ 2 của anh Hiếu (mình đoán là tài khoản mới nhất anh ấy tạo)
Video TEDx của anh Hiếu về chủ đề Trust Capital in Business - Đăng tải vào tháng 9, năm 2012
Chuyên gia người Việt kể chuyện làm UX ở ngân hàng Tây - Cafebiz. Đăng tải vào 06/08/2014
Những lời khuyên khởi nghiệp không thể bỏ qua - Doanhnhansaigon. Đăng tải vào 20/12/2012
Vững nghề, mạnh bước tương lai với ngành lập trình game - znews. Đăng tải vào 23/9/2014
Game Việt khát vọng vươn ra biển lớn - Vtcnews. Đăng tải vào 28/05/2012
Tài liệu anh Hiếu chia sẻ về Design for Startup vào năm 2012
Chuyên gia người Việt kể chuyện làm UX ở ngân hàng Tây - Cafebiz. Đăng tải vào 08/2014
Ông chủ của 'À Ố Show': Tự hào tạo ra chương trình nghệ thuật kinh doanh tốt - Đăng tải vào 05/2015
Why Australian EdTech is booming - Startupdaily - Đăng tải vào tháng 5/2015
Nice writing Trí - xét về chuyên môn anh Hiếu rất đáng học hỏi và lắng nghe. Người Việt chúng ta nên xây dựng văn hóa embrace cái hay cái giỏi của người khác. Vì 1 chút negative point ai cũng có, nếu ở nước ngoài ai mà nghe những podcast hay tầm nhìn về chuyên môn của anh hiếu, đầu tư tài chính thì anh hiếu có những kinh nghiệm rất đáng nể vì độ chắt lọc và độ sâu. ( có những video và bài viết chuyên môn anh viết từ rất lâu rồi )
- Những người mà anh hiếu link trong thành công tài chính nếu tìm hiểu sâu sẻ có Mr Money Moustache trong thuật ngữ F* you money, ông Ray Dalio, hay cách mà anh hiếu recommend trong đầu tư đều là những điều cơ bản cốt lõi nhất những CEO kì cựu trong tài chính.
Phần lớn trong một community chỉ nhìn thấy 1 mặt mà làm những người cực kì mất đi động lực chia sẻ thì sau này ta sẻ khó mà nghe được những bài học hay mà họ trãi qua.
Cám ơn bài viết với góc nhìn trung lập, tập trung vào cung cấp thông tin cho mọi người của bạn. Cá nhân mình nhận được nhiều giá trị từ anh Hiếu, nên mình cũng buồn khi thấy các lùm xùm gần đây của ảnh. Hy vọng thông qua sự việc này, anh Hiếu cũng có cơ hội lắng nghe các học viên và tiếp nhận các feedback mang tính xây dựng để từ đó xây dựng một cộng đồng văn minh và cùng nhau học hỏi hơn.